TS.BS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bài toán về khoảng cách không gian, áp lực thời gian trong việc khám chữa bệnh, đào tạo y bác sĩ tuyến dưới đã tìm được lời giải.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp xây dựng. Sự kiện kết nối đến hơn 200 bệnh viện tuyến dưới ở 35 tỉnh, hơn 500 y bác sĩ tham dự trực tiếp. Không chỉ tiến hành hội chẩn từ xa, các bác sĩ còn trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với các tình huống khẩn cấp của đại dịch Covid-19 tại nước ta.
TS.BS Dương Đức Hùng: 'Hệ thống Telehealth sẽ phát triển mạnh' |
TS.BS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đánh giá Telehealth không chỉ đáp ứng nhu cầu tức thời khi dịch Covid-19 bùng phát, mà còn là hình thức khám chữa bệnh tất yếu của xã hội, phát triển song hành với các tiến bộ của công nghệ thông tin.
Mục tiêu kết nối 1.000 điểm cầu của Telehealth
PV: Sự kiện ra mắt trung tâm khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa như thế nào đối với Bệnh viện Bạch Mai, thưa ông?
TS.BS Hùng: Việc khám chữa bệnh được bệnh viện triển khai trong hàng chục năm nay và được Bộ Y tế đánh giá là cơ sở hoạt động hiệu quả. Vì vậy, sự kiện này là dấu mốc Bệnh viện Bạch Mai chính thức tham gia vào hệ thống khám chữa bệnh Telehealth. Hệ thống góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Quan trọng hơn, việc đào tạo bác sĩ tuyến dưới sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
PV: Sự kiện hôm nay có hơn 200 điểm cầu cùng kết nối. Đây có phải lần đầu tiên Việt Nam diễn ra buổi khám chữa bệnh từ xa trực tuyến thông qua Telehealth với số lượng điểm cầu đông như vậy hay không, thưa ông?
TS.BS Hùng: Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện chương trình khám chữa bệnh từ xa quy tụ hàng trăm điểm cầu. Trước đó, chúng tôi cũng thường xuyên triển khai các buổi đào tạo cho bác sĩ ở bệnh viện các tỉnh phía bắc, các bệnh viện tuyến huyện với quy mô vài chục điểm cầu.
Dù vậy, đích đến mà Bộ Y tế đặt ra là kết nối 1.000 điểm cầu và nhiều hơn thế nữa. Đây cũng là điểm mạnh của tổ chức chương trình trực tuyến. Vì với số lượng người đông như vậy, nếu đổ về một cơ sở y tế thì tính hiệu quả không cao và chi phí tổ chức tốn kém hơn rất nhiều. Điều đó thể hiện tính năng động và hiệu quả của hệ thống Telehealth.
Bệnh viện Bạch Mai chính thức triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth |
PV: Dịch Covid-19 có phải là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện đưa hệ thống khám chữa bệnh từ xa nhanh chóng trở thành thường quy hay không, thưa ông?
TS.BS Hùng: Việc khám chữa bệnh từ xa đã được nhiều cơ sở y tế quan tâm, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên thời gian qua, do đặc thù của dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội, việc di chuyển hàng trăm cây số đến gặp các bác sĩ, nhất là chuyên gia ở các bệnh viện hạng đặc biệt, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Telehealth được đẩy nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội.
Việc này không chỉ phục vụ trong giai đoạn dịch Covid-19, mà còn là hình thái khám chữa bệnh tất yếu phát triển trong xã hội, sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
***** Xem thêm: PGS.TS.BS. Nguyễn Sinh Hiền: "Telehealth là cuộc cách mạng trong ngành y"
Thách thức của Telehealth
PV: Theo ông, 5 năm sau, việc khám chữa bệnh, đào tạo thông qua Telehealth sẽ thay đổi như thế nào?
TS.BS Hùng: Đối với bệnh nhân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nhiều người sẽ có cơ hội thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh với các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao ở những bệnh viện hạng đặc biệt. Ngoài ra, việc hạn chế di chuyển còn giảm nguy cơ tử vong trên đường chuyển tuyến đối với các ca bệnh nặng.
Đối với các y bác sĩ tuyến dưới, họ vẫn có thể vừa được đào tạo, vừa đảm bảo công việc khám chữa bệnh hàng ngày và chăm sóc gia đình, không cần vượt hàng trăm cây số để lên tuyến trên theo học tập trung. Hình thức đào tạo này cũng đáp ứng đúng những gì bác sĩ cần, không theo giáo trình cứng nhắc, ít cập nhật.
Như vậy, khám chữa bệnh từ xa là nhu cầu tất yếu của xã hội, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin.
Với sự tham gia sâu và rộng của Chính phủ và Bộ Y tế thời gian tới, việc khám chữa bệnh từ xa sẽ đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, khi các cơ quan chức năng cần quan tâm, công nghệ phát triển cùng sự hào hứng tiếp nhận của bệnh viện tuyến dưới và tinh thần sẵn sàng của bác sĩ tuyến trên, thời gian đưa Telehealth phát triển cũng sẽ rút ngắn hơn nhiều.
TS.BS Dương Đức Hùng: Con người cần thay đổi để thích nghi với công nghệ |
PV: Đối với các bệnh viện đã ứng dụng Telehealth, nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, các cơ sở y tế sẽ chủ động áp dụng công nghệ vào việc phòng, chống dịch như thế nào để tránh trở thành ổ dịch và bị phong tỏa?
TS.BS Hùng: Với hệ thống này, các y bác sĩ có thể kết nối để hội chẩn ca bệnh hoặc lớn hơn là đào tạo hệ thống phòng dịch. Ở giai đoạn I của đại dịch Covid-19, khi bệnh viện bị cách ly, chúng tôi vẫn tổ chức các buổi đào tạo từ xa về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhiều cơ sở y tế.
PV: Theo ông, Telehealth làm tốt ở lĩnh vực nào và còn những hạn chế gì cần phải cải tiến?
TS.BS Hùng: Tôi cho rằng, mọi giải pháp công nghệ đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Các nhà cung cấp phải cập nhật, tìm hiểu kỹ tình hình thực tế trước khi ra mắt sản phẩm. Vì vậy, tôi chỉ sợ con người không chịu thay đổi để thích nghi với công nghệ chứ không lo công nghệ chậm thay đổi.
Với Telehealth, việc các bệnh viện, bác sĩ sử dụng hết tính năng của công nghệ này có thể giúp ích nhiều cho công việc mà chưa cần đòi hỏi thêm.
Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt của nước ta, Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ khám chữa bệnh tin cây, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, chuyển giao kỹ thuật, được Bộ Y tế tin tưởng, đánh giá cao và các cơ sở y tế trong cả nước tín nhiệm.
***** Xem thêm: Ca điều hành mổ tim trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam qua Viettel Telehealth
Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel triển khai tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Telehealth giúp mọi người dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, chat…, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị. Hiện nay, Tập đoàn Viettel triển khai kết nối thành công đến 600 điểm tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, đạt 60% mục tiêu giai đoạn I.
Nguồn tham khảo: Zingnews
No comments:
Post a Comment