Hẳn là chúng ta không còn xa lạ với cụm từ "đứt cáp quang biển". Chỉ cần vài click chuột trên Google, chúng ta cũng có thể thấy được hàng nghìn kết quả liên quan tới từ khóa này. Vậy cáp quang biển là gì? Tại Việt Nam có bao nhiêu tuyến cáp quang biển? Hãy cùng Viettel Solutions tìm hiểu nhé!
Ảnh minh họa: 8 tuyến cáp quang biển tại Việt Nam |
Cáp quang biển Việt Nam là gì?
Nếu ví hệ thống mạng Internet tại Việt Nam là một ngôi nhà thì các tuyến cáp quang biển Việt Nam chính là "cửa ngõ" để chúng ta kết nối với thế giới bên ngoài.
Cáp quang biển được dùng để chỉ các cáp viễn thông có lõi bằng sợi thủy tinh hoặc nhựa, và sử dụng ánh sáng để truyền dẫn tín hiệu, được đặt ngầm dưới biển. Cáp quang biển thường có vỏ bảo vệ nhiều lớp để đảm bảo độ an toàn. Sợi cáp quang biển điển hình có đường kính 7cm, nặng trung bình khoảng 10kg/m.
Ngày nay, cáp quang biển đóng một vai trò rất quan trong kết nối viễn thông, Internet giữa tất cả các châu lục toàn cầu (trừ Nam Cực).
Bên cạnh các tuyến cáp trên đất liền, Việt Nam đang tham gia khai thác các tuyến cáp quang biển quốc tế như sau: AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (SEA-ME-WE 3), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia Africa Europe 1), TGN-IA (Tata TGN Intra-Asia hay còn gọi là Liên Á), T-V-H (Thailand-Vietnam-Hong Kong) và sắp tới là SJC2 (Southeast Asia-Japan Cable 2) và ADC (Asia Direct Cable).
1. Cáp quang biển AAG (Asia - America Gateway)
Hình 1 - Cáp quang biển AAG (Asia - American Getway) |
- Bắt đầu hoạt động: tháng 11/2009.
- Dung lượng: 2.88 Terabit.
- Chiều dài: 20.000 km.
- Website: https://www.asia-america-gateway.com
- Kết nối: Châu Á với miền Tây Hoa Kỳ đi qua 9 nước: Singapore, Hoa Kỳ, Philippines, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, đảo Guam, Brunei và Việt Nam.
- Chủ sở hữu: AT&T (Hoa Kỳ), BayanTel (Philippines), Bharti (Ấn Độ), BT Global Network Services (Anh), CAT Telecom (Thái Lan), ETPI (Philippines), Cơ quan quản lý ngành công nghệ thông tin truyền thông (Brunei Darussalam), Indosat (Indonesia), PLDT (Philippines), StarHub (Singapore), Ezecom-Công nghệ viễn thông(Campuchia), Telkom Indonesia (Indonesia), Telstra (Úc), Telekom Malaysia (Malaysia), Viễn thông New Zealand (New Zealand), Saigon Postal Corporation ( Việt Nam), FPT Telecom (Việt Nam), Viettel (Việt Nam) và VNPT (Việt Nam).
Cáp quang AAG có tên đầy đủ là Asia - America Gateway, sự ra đời của nó là một cuộc cách mạng về kết nối băng thông rộng giữa Châu Á và Hoa Kỳ. Hiện tại đường truyền quốc tế, tốc độ Internet Việt Nam ra thế giới phụ thuộc chính vào tuyến cáp quang này.
Cáp quang AAG khá nổi tiếng với cộng đồng mạng tại Việt Nam vì thường xuyên bị đứt và ngừng hoạt động kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2009. Đa phần những trục trặc xảy ra trong đoạn S1 tại vùng biển Việt Nam giữa Hong Kong và Singapore với chiều dài là 314 km.
Trước năm 2009, Internet Việt Nam kết nối quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào hai tuyến cáp quang biển là T-V-H (Thailand-Vietnam-Hong Kong) và SMW3 (SEA-ME-WE 3) với lưu lượng khá thấp. TVH có lưu lượng thiết kế mỗi hướng chỉ 560 Mbps, SMW3 lên đến 320 Gbps, còn lại kết nối qua các tuyến cáp đất liền. Nhưng sự có mặt của tuyến AAG đã giải được bài toán về tốc độ Internet tại Việt Nam, đưa thị trường viễn thông nước ta lên một vị trí mới.
Hầu hết các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều đang khai thác tuyến cáp AAG này, gồm VNPT, FPT Telecom, Viettel và SPT.
2. Cáp quang biển SMW3 (SEA-ME-WE 3)
- Hoàn thành: năm 2000.
- Dung lượng: 320 Gbp/s.
- Chiều dài: 39.000 km.
- Website: http://www.smw3.com
- Kết nối: Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu đi qua 32 nước và lãnh thổ là Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Morocco, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp, Ả Rập Saudi, Djibouti, Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Úc, Brunei, Vietnam, Philippines, Ma Cao, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
- Chủ sở hữu: France Telecom và China Telecom.
Cáp quang biển SMW-3 còn được gọi SEA-ME-WE 3 là hệ thống cáp quang biển dài nhất thế giới, được thi công bởi France Telecom và China Telecom, và được quản lý bởi Singtel.
Tuyến cáp quang SMW-3 sử dụng công nghệ ghép bước sóng. Bản thân hệ thống cáp có hai cặp sợi, mỗi cặp mang 64 bước sóng (2007). Vào ngày 1 tháng 1 năm 2015, việc mở rộng công suất lần thứ 5 đã được phân phối cho tất cả các công ty quản lý. Dung lượng dữ liệu của mạng lưới cáp quang này được tăng lên đáng kể với công nghệ 100G . Tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển này cập bờ tại Đà Nẵng.
3. Cáp quang biển AAE-1 (Asia Africa Europe 1)
- Hoàn thành: năm 2017.
- Dung lượng: công nghệ truyền DWDM 100Gbps tiên tiến.
- Chiều dài: 23.000 km.
- Website: https://www.aaeone.com
- Kết nối: Từ Đông Á đến Nam Âu, Hong Kong, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ, Oman, UAE, Qatar, Yemen, Arab Saudi, Djibouti, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Pháp.
- Chủ sở hữu: British Telecom, China Unicom, Djibouti Telecom, Etaluat, Global Transit, HyalRoute, Jio, Metfone, Mobily, Omantel, Ooredoo, Oteglo, PCCW, PTCL, Retelit, Viễn thông Ai Cập, TeleYemen, TOT, VNPT và Viettel.
Cáp quang biển AAE-1 còn có tên là Asia Africa Europe 1
Tuyến cáp AAE-1 triển khai công nghệ truyền dữ liệu 100 Gbps, với dung lượng tải tối thiểu là 40 Gbps. Một trong các tính năng của AAE-1 là trong khi tuyến kết thúc tại hai PoP (Points of Presence) ở Singapore, tuyến tiếp tục kết nối xa hơn châu Á thông qua tuyến trên mặt đất, kết nối Thái Lan, Việt Nam, Cambodia và Hồng Kông. Theo cách này giúp AAE-1 là hệ thống có độ trễ thấp nhất giữa Hồng Kông, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 820 triệu USD, trong tổng số 21 điểm cập bờ, Việt Nam là một nút giao quan trọng, điểm cập bờ của Việt Nam tại TP Vũng Tàu.
4. Cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway)
- Hoàn thành: năm 2016.
- Dung lượng: 54.8 Terabit/s.
- Chiều dài: 10.400 km.
- Kết nối: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Singapore
- Chủ sở hữu: Facebook, CAT Telecom, China Telecom, China Mobile International, China Unicom , Chunghwa Telecom , KT Corporation , LG Uplus , NTT Communications, StarHub , Global Transit, Viettel và VNPT.
Cáp quang biển APG còn có tên gọi khác là Asia Pacific Gateway, hệ thống cáp quang biển Châu Á Thái Bình Dương (APG) được phục vụ vào ngày 28 tháng 10 năm 2016.
Với tổng chiều dài 10,400 km, mạng cáp APG tận dụng khả năng truyền dẫn quang 100Gbps và công nghệ kết hợp kỹ thuật số để cung cấp dung lượng hơn 54 Tbps, cao nhất so với bất kỳ mạng nào ở châu Á.
Tuyến cáp này được xây dựng tránh các khu vực dễ xảy ra động đất và bão. Có các điểm kết nối ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dự án APG đã khởi động vào năm 2009 nhưng mãi đến tháng 6 năm 2013 mới hoàn thành, đây là một dự án khá dài hơi của các tập đoàn.
5. Cáp quang biển Liên Á TGN-IA (Tata TGN Intra-Asia)
Cáp quang biển TGN-IA hay còn gọi là cáp quang biển Liên Á là một hệ thống cáp quang biển riêng của châu Á được xây dựng, sở hữu và vận hành bởi Tata Communications.
Tuyến cáp TGN-IA được thiết kế có chủ ý để tránh các khu vực dễ xảy ra động đất và các khu vực nguy hiểm khác, như bờ biển phía nam và phía đông của đảo Đài Loan. Hệ thống cáp TGN-IA cung cấp tuyến đường trực tiếp có độ trễ thấp giữa Tokyo và Singapore (63 ms). Và TGN-IA, TIC và TGN-Pacific cùng nhau tạo thành một mạng lưới cáp quang biển tích hợp để kết nối châu Á và Hoa Kỳ.
Cáp TGN-IA trải dài 6800 km, bao gồm 4 cặp cáp nối Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và đảo Guam, với công suất thiết kế 3,84 Tbit/s. Tại Việt Nam cáp Liên á TGN-IA cập bờ tại TP Vũng Tàu.
6. Cáp quang biển T-V-H (Thailand-Vietnam-Hong Kong)
- Hoàn thành: 1996.
- Dung lượng: 565 Mbit/s.
- Chiều dài: 3.367 km.
- Kết nối: Hong Kong, Việt Nam, Thái Lan.
Cáp quang biển TVH là tuyến cáp quang đi qua 3 nước, Hong Kong - Việt Nam - Thái Lan, là tuyến cáp quang biển lâu đời, có thể nói là từ thuở sở khai của Internet Việt Nam.
Liên lạc viễn thông qua tuyến T-V-H chủ yếu là qua nhánh đi Hồng Kông. Nhánh đi Thái Lan, lưu lượng không đáng kể, chỉ giữ vai trò dự phòng trong trường hợp các tuyến cáp khác trục trặc. Vì vậy, tuyến TVH nhánh đi Thái Lan gặp sự cố không ảnh hưởng tới hệ thống thông tin liên lạc từ Việt Nam ra nước ngoài. Cáp quang TVH nổi tiếng nhất khu vực vào tháng 3 năm 2007, cáp này đã bị hỏng do "ngư dân" địa phương đã cắt bán phế liệu. Chi phí khôi phục của VNPT khoảng 1,3 triệu USD so với 2,6 triệu USD dự kiến ban đầu và thời gian sửa chữa rút xuống còn một tháng so với 88 ngày dự kiến. Theo thỏa thuận được ký kết giữa ba bên, phía CAT (Thái Lan) phải chịu chi phí khắc phục là 44,5%. Phía Reach (Hồng Kông) phải chịu 20,4%; và còn lại của một số công ty khai thác nhỏ khác.
7. Cáp quang biển SJC2 (Southeast Asia-Japan Cable 2)
- Hoàn thành: cuối 2020.
- Dung lượng: 144 Tbps.
- Chiều dài: 10,200 km.
- Kết nối: qua 9 nước Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Singapore.
- Chủ sở hữu: China Mobile International, Chunghwa Telecom, Chuan Wei, Facebook, KDDI, Singtel, SK Broadband và VNPT
- Thi công: https://www.nec.com
Cáp quang biển SJC2 còn có tên khác là Southeast Asia-Japan Cable 2, được ví như một đường cao tốc đa phương tiện thế hệ mới, cáp quang SJC2 có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo điều kiện hợp tác kinh tế và đổi mới kỹ thuật số giữa các quốc gia 2 tỷ dân trong khu vực này.
Thiết kế mạnh mẽ và linh hoạt sẽ cho phép SJC2 đối phó với những thay đổi trong tương lai về nhu cầu công suất. SJC2 sẽ cung cấp kết nối liền mạch và đa dạng mạng, đồng thời phục vụ bổ sung cho các tuyến cáp ngầm khác ở châu Á, trong số các loại khác, chẳng hạn như SJC ban đầu được chế tạo năm 2013. Dự án này là 1 trong 7 dự án cáp quang biển của Trung Quốc nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường"của họ. Tại Việt Nam, cáp quang SJC2 cập bờ tại Quy Nhơn - Bình Định.8. Cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable)
Hình 8 - Cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) |
- Hoàn thành: quý IV.2022.
- Dung lượng: 140 Tbps.
- Chiều dài: 9.400 km
- Kết nối: qua Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan
- Chủ sở hữu: PLDT, CAT Telecom Public Company Limited, China Telecom, China Unicom, Singtel, Softbank Corp, Tata Communications và Viettel
Cáp quang biển ADC viết tắt của Asia Direct Cable có dung lượng đạt trên 140 Tbps, cho phép truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Dự kiến khi hoàn thành vào quý IV.2022, sẽ trở thành tuyến cáp quang mới có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp ba lần tuyến cáp APG hiện nay , với lưu lượng tối thiểu 18Tbps.
Với dung lượng hệ thống lớn, tuyến cáp ADC có khả năng hỗ trợ hoạt động cho các ứng dụng với nhu cầu băng thông cao, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).
****** Xem thêm: Viettel đầu tư tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam
Trên đây, Viettel Solutions đã giới thiệu đến các bạn 8 tuyến cáp quang biển mà Việt Nam đang khai thác.
No comments:
Post a Comment